Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

Bất động sản sẽ như thế nào với gói 50.000 tỷ đồng


bất động sản,thị trường bất động sản việt nam
(ĐTCK) Tuần qua, thị trường bất động sản xôn xao với thông tin về gói hỗ trợ 50.000 tỷ đồng. Như vậy, cùng với gói 30.000 tỷ đồng mới sử dụng chưa đến 5%, sắp tới, sẽ có một lượng vốn lớn đang sẵn sàng bơm vào thị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng, dòng vốn này sẽ là động lực thúc đẩy thị trường, song nhiều quan điểm lại tỏ ra nghi ngại, đây chưa phải là “liều thuốc” đúng bệnh của thị trường. 
Gói 50.000 tỷ đồng có gì đặc biệt?
Theo Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB), đơn vị khởi xướng gói 50.000 tỷ đồng, xuất phát từ thực tế niềm tin trên thị trường bất động sản bị xói mòn thời gian qua, người mua nhà đóng tiền cho DN nhưng không biết tiền của mình có được đưa vào dự án hay không, nhà thầu làm cho chủ đầu tư, cũng không biết chủ đầu tư có trả tiền hay không?... Vì thế, gói tín dụng 50.000 tỷ đồng (kết hợp của 10 NHTM) thông qua chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà gồm: ngân hàng người mua - chủ đầu tư - nhà thầu cung ứng VLXD - ngân hàng người bán ra đời. Gói liên kết 4 nhà này sẽ góp phần giải quyết tồn kho vật liệu, khơi thông dòng chảy tín dụng ngân hàng, giảm nợ xấu, tạo dòng tiền cho dự án…
Ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc VNCB cho biết, điểm mới trong chuỗi liên kết này là, nếu DN đang là con nợ ở một ngân hàng khác, khi tham gia dự án này lại mở tài khoản tại một trong các ngân hàng liên minh. Khi có nguồn tiền chuyển về, thông thường, ngân hàng chủ nợ sẽ cắt gốc, phạt lãi xong rồi mới trả lại tiền cho công trình. Nhưng, liên minh của Ngân hàng Xây dựng đã thống nhất, khi tham gia chuỗi cung ứng này, nếu DN là con nợ ở Ngân hàng B, khi chuyển tiền, Ngân hàng B vẫn cho tiền qua để hoàn thiện và bán sản phẩm trong chuỗi sản phẩm 4 nhà đã được thẩm định và ký kết, cho đến khi DN có lợi nhuận sẽ trả lãi và gốc.
Như vậy, về cơ bản, gói 50.000 tỷ đồng không có ưu đãi đặc biệt nào, vẫn với điều kiện và lãi suất như vay thương mại bình thường. Khác biệt chỉ là quản lý dòng tiền đi đúng nơi, đúng chỗ, để không bị chiếm dụng.
Quan trọng là đầu ra thị trường
Với gần 700 dự án bất động sản ở TP. HCM đang ngừng triển khai do gặp khó khăn, theo giới kinh doanh địa ốc, nhu cầu vốn của thị trường bất động sản hiện vô cùng lớn. Tuy nhiên, việc làm sao để tiếp cận nguồn vốn là không đơn giản, bởi điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Có những DN có nhu cầu vốn để triển khai dự án, nhưng chưa chắc đủ điều kiện vay vốn, ngược lại, nhiều DN đủ điều kiện vay, lại không dám vay do còn lo ngại về đầu ra của sản phẩm.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức cho rằng, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang “khát” vốn, việc ra đời của gói 50.000 tỷ đồng có tác động lớn về mặt tâm lý, nhưng tính hiệu quả của việc đưa dòng vốn này vào thực tế như thế nào cần có thời gian kiểm chứng.
“Không riêng gì gói 50.000 tỷ đồng, hiện ngân hàng cũng đang bị đọng vốn nhiều, nếu DN có nhu cầu đầu tư và chứng minh được tính khả thi của dự án, các ngân hàng cũng sẵn sàng bơm tiền cho vay. Như vậy, nếu không có cơ chế đặc biệt, khi vay, DN vẫn phải chứng minh năng lực trả nợ, phải có tài sản thế chấp, lãi suất vẫn phải trả bình thường, e rằng DN vẫn không dễ dàng tiếp cận nguồn vốn này”, ông Hiếu nhận định.
Theo ông Trần Văn Thành, Chủ tịch HĐQT CTCP Nhà Việt Nam, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là vấn đề đầu ra. Chính sự khó khăn từ đầu ra của sản phẩm đã làm cho các dự án bị ngừng triển khai.
“Một DN đầu tư một dự án lúc này, nhưng không biết chắc mình có bán được hàng hay không, thì dù có được vay vốn với lãi suất thấp, DN cũng không dám vay”, ông Thành phân tích và cho rằng, vốn rất quan trọng với DN, song cách tốt nhất để thị trường bất động sản được khơi thông là làm thế nào kích cầu đầu ra của thị trường.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Land cho rằng, với thị trường bất động sản còn đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, càng có nhiều nguồn vốn đổ vào càng tốt. Tuy nhiên, theo ông Minh, yếu tố mang tính quyết định thị trường tốt xấu lúc này vẫn là phía khách hàng.
“Nếu đầu ra thị trường được kích cầu mạnh, thị trường sẽ khơi thông và tự bản thân các DN sẽ xoay xở được vốn để đầu tư, còn nếu đầu ra bế tắc, dù có cho DN vay vốn ưu đãi cỡ nào, DN cũng chưa chắc dám vay”, ông Minh nói.