Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Bất động sản bị dừng cấp phép mới

Dừng cấp phép dự án bất động sản mới?

bds,bds viet nam,bds vn,bat dong san,bat dong san bi dung cap phep moi bất động sản,nhà ở thương mại,khu đô thị

(ĐTCK) “Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương không cấp phép đầu tư bất động sản mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014”. Đề xuất này của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng gửi đến Chính phủ cuối tuần qua đang tạo ra dự luận trái chiều, đặc biệt là tác động siết "cung" có thể khiến giá tăng. Và sự thực có là như vậy?
Hạn chế cung
Theo đánh giá của ông Dũng, từ đầu năm 2014, thị trường bất động sản tiếp tục có dấu hiệu phục hồi, thanh khoản tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái, giá nhà có dấu hiệu chững lại, không giảm như những năm trước, thậm chí có dự án tăng giá nhẹ.
Ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, thì tác động của các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho thị trường được triển khai quyết liệt trong thời gian qua đã góp phần giúp thị trường bất động sản phục hồi, nhất là phân khúc nhà ở có mức giá trung bình, diện tích căn hộ nhỏ, hợp lý, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại đa số người dân.
Tuy nhiên, thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó vấn đề bội cung là một thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.
Ông Dũng cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát các dự án phát triển đô thị, phát triển nhà ở trên địa bàn. Qua rà soát, dù chưa đầy đủ và nghiêm túc nhưng cũng đã cho thấy, hiện có quá nhiều dự án được phê duyệt.
Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 12/2013, cả nước có 4.015 dự án đã được phê duyệt với tổng mức đầu tư ước tính 4.486.674 tỷ đồng.
Trong đó, số dự án được tiếp tục triển khai theo báo cáo của 61 địa phương là 3.258 dự án (chiếm 81%), với diện tích đất là 81.565 héc-ta (chiếm 79,8,%), diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 29.545 héc-ta (chiếm 81,9 %).
Số dự án cần phải điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp, điều chỉnh quy hoạch theo báo cáo của 52 địa phương là 455 dự án (chiếm 11,2% số lượng dự án, các dự án này nằm cả trong số các dự án được tiếp tục triển khai và trong số các dự án tạm dừng), diện tích đất khoảng 21.087 héc-ta (gần 21%), diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 7.793 héc-ta (trong đó, Hà Nội có 285 dự án, TP. HCM có 33 dự án).
Các dự án tạm dừng triển khai theo báo cáo của 47 địa phương là 287 dự án, có diện tích đất 14.819 héc-ta (chiếm 14,5%), diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 4.395 héc-ta (chiếm 12,9%). Các dự án tạm dừng chủ yếu là do chủ đầu tư không huy động được thêm nguồn vốn để triển khai tiếp.
Còn 470 dự án, với tổng diện tích đất khoảng 6.983 héc-ta, là những dự án đã hoàn thành, hoặc chưa có báo cáo, các địa phương đang tiếp tục cập nhật số liệu báo cáo bổ sung.
Trước nguy cơ bội cung, ngoài kiến nghị ngừng cấp phép dự án bất động sản thương mại mới, Bộ Xây dựng còn đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương cần khẩn trương, nghiêm túc rà soát các dự án phát triển bất động sản trên địa bàn để phân loại và kiên quyết tạm dừng, dừng hẳn các dự án không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển, cũng như nhu cầu của địa phương.
“Đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng, nhưng không phù hợp với nhu cầu và kế hoạch phát triển của địa phương thì tạm thời điều chỉnh mục đích sử dụng đất có thời hạn và cho phép chủ đầu tư tổ chức khai thác kinh doanh tạm (chuyển mục đích tạm thời như bãi đỗ xe, kho tàng...) không để đất trống và chỉ đầu tư tiếp khi được cấp có thẩm quyền cho phép”, ông Dũng nhấn mạnh.
Khơi thông cầu
Ngoài việc thắt chặt nguồn cung, Bộ Xây dựng cũng tìm giải pháp để khơi thông hơn nữa nguồn cầu, trong đó, ưu tiên gỡ nút thắt để dòng tín dụng từ gói 30.000 tỷ đồng được chảy mạnh.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, sau khi thống nhất với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh một số quy định có liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo hướng thông thoáng hơn.
Cụ thể, thời gian vay tăng từ 10 năm lên 15 năm (đối với khách hàng là cá nhân); mở rộng đối tượng vay để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng cả nhà và đất không quá 1,05 tỷ đồng (không khống chế về diện tích và đơn giá).
Mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thuộc các tỉnh duyên hải, miền Trung đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng), được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất 4%/năm;
Mở rộng cho vay đối với các hộ dân ở đô thị; cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đã có đất ở phù hợp với quy hoạch, có khó khăn về nhà ở (chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng xuống cấp hư hỏng) được vay để xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, nhưng tổng số vốn vay không quá 80% x 1,05 tỷ đồng;
Mở rộng cho vay đối với các hợp đồng mua nhà ở xã hội đã ký trước 7/1/2013 mà chưa thanh toán hết tiền mua nhà (đối với khoản tiền chưa nộp theo tiến độ).
Về ngân hàng triển khai, ngoài 5 ngân hàng thương mại nhà nước, sẽ bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước.
Bộ Xây dựng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho vay đối với các đối tượng được vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP. Đồng thời nghiên cứu ban hành tiêu chí, trình tự thủ tục cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng để áp dụng thống nhất trong các ngân hàng được giao thực hiện gói tín dụng hỗ trợ nhà ở này, tránh việc mỗi ngân hàng lại có tiêu chí, quy trình, thủ tục cho vay khác nhau. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng thành lập tổ công tác liên ngành để chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở.

Bất động sản được cứu nguy nhờ gói 50.000 tỷ

bất động sản việt nam,thị trường bất động sản được cứu nguy nhờ gói 50.000 tỉ

(ĐTCK) “Hào hứng” là trạng thái chung của nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản tại Hà Nội khi được hỏi về gói tín dụng trị giá 50.000 tỷ đồng.
Khan hàng
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, lượng hàng bất động sản tồn kho tại Hà Nội đã giảm đáng kể từ đầu năm 2013 đến nay. Cụ thể, tính đến hết tháng 12/2013 đã giảm 20,94% so với tháng 3/2013, trong đó, tồn kho căn hộ giảm 1.998 căn, còn tồn 3.458 căn; nhà thấp tầng giảm 227 căn, còn tồn kho 3.122 căn.
Trong 2 tháng đầu năm 2014 (tính đến ngày 25/2/2014), tổng số tồn kho trên địa bàn Hà Nội tiếp tục giảm gần 369 tỷ đồng (giảm 2,8%); trong đó tồn kho căn hộ chung cư là 3.164 căn (giảm 294 căn); nhà thấp tầng là 3.096 căn (giảm 26 căn).
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá, lượng tồn kho ở cả hai phân khúc trên chủ yếu tập trung ở những khu vực xa trung tâm Thành phố, chưa có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hoặc những căn hộ có diện tích lớn (trên 100 m2), giá bán cao.
Trao đổi với ĐTCK, ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thái Minh Quang cho biết, thị trường căn hộ chung cư Hà Nội hiện đang khan hàng, các sàn giao dịch chỉ có khoảng hơn 3.000 căn hộ để săn lùng và chào bán, nên cạnh tranh rất gắt gao. Ưu tiên số một của các sàn là lựa chọn các căn hộ đang hoàn thiện và có thể bàn giao cho khách hàng trong vòng 3 tháng, tiếp đến là các dự án đã xong móng, có tiến độ tốt.
Theo ông Giang, sau khi gói tín dụng 50.000 tỷ đồng ra mắt, nhiều chủ đầu tư tỏ ra rất hứng khởi đón nhận, nhất là các chủ đầu tư có dự án triển khai dở dang nhưng thiếu vốn.
“Nếu các dự án dở dang được vay vốn để tiếp tục triển khai ngay thì chỉ khoảng quý III hoặc quý IV/2014, thị trường sẽ có thêm nhiều sản phẩm để chào bán”, ông Giang nói và bày tỏ hy vọng thị trường bất động sản Hà Nội sẽ khởi sắc hơn khi lượng hàng phong phú lên.
Băn khoăn điều kiện vay
Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư tỏ ra băn khoăn khi điều kiện để tham gia gói tín dụng này chưa được công bố rõ ràng.
Theo ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), gói tín dụng 50.000 tỷ đồng được triển khai theo mô hình chuỗi sản phẩm khép kín 4 nhà: “ngân hàng người mua - chủ đầu tư, nhà thầu - nhà tổ chức cung ứng, sản xuất vật liệu xây dựng - ngân hàng người bán” là một sản phẩm thương mại bình thường, nên công tác thẩm định và yêu cầu dự án phải tuân thủ theo nguyên tắc tín dụng thông thường, trong đó lãi suất được tính theo mặt bằng lãi suất thị trường. Một trong những đối tượng mà gói tín dụng tập trung hỗ trợ là những dự án đang thi công dở dang, giúp dự án có nguồn vốn triển khai tiếp để đưa sản phẩm ra thị trường, góp phần giảm tồn kho bất động sản.
Điểm mới của chuỗi liên kết này, theo ông Mai, nếu chủ đầu tư đang là con nợ ở một ngân hàng khác, khi tham gia dự án lại được mở tài khoản tại một trong các ngân hàng liên minh. Thông thường, khi có nguồn tiền chuyển về, ngân hàng chủ nợ sẽ cắt gốc và lãi xong rồi mới trả lại tiền cho công trình. Nhưng liên minh của Ngân hàng Xây dựng thống nhất, khi tham gia chuỗi cung ứng, nếu chủ đầu tư là con nợ ở Ngân hàng B, khi có nguồn tiền về, Ngân hàng B vẫn cho tiền chảy qua để hoàn thiện công trình và bán sản phẩm trong chuỗi sản phẩm 4 nhà đã được thẩm định và ký kết, cho đến khi chủ đầu tư có lợi nhuận sẽ trả lãi và gốc.
Chủ đầu tư một dự án lớn tại Hà Nội sau 2 năm tạm dừng xây dựng, đến nay đang tái khởi động lại, chia sẻ, đa phần các dự án dang dở đã phải thế chấp dự án để vay ngân hàng trước đây, nay muốn vay tiếp theo gói tín dụng này thì phải làm sao, khi không thể thế chấp dự án 2 lần ở 2 ngân hàng khác nhau? Ngân hàng đã thế chấp dự án để vay trước đây lại không nằm trong số các ngân hàng cam kết tham gia liên minh thì sao? Hay như việc chủ đầu tư phải có phương án trả nợ nhưng đã “trót” huy động vốn của khách hàng quá lớn, nay có hoàn thành dự án cũng chỉ để bàn giao cho khách, còn khoản tiền thu về không đủ trả ngân hàng cả lãi và gốc có được vay không? Khi vay từ gói tín dụng này nhưng không muốn mua vật liệu xây dựng từ Thiên Thanh có được không?...
Ông Mai cho rằng, thực ra mô hình liên kết 4 nhà không có gì mới. Điểm khác biệt của gói tín dụng này so với các gói cho vay trước đây là không cần tài sản đảm bảo, bởi cho vay trên hàng hóa cung ứng khi đầu ra dự án được đảm bảo dựa trên việc cam kết cấp tín dụng của một ngân hàng lớn hay một định chế tài chính lớn. Nghĩa là chủ đầu tư cung ứng hàng hóa đến đâu, ngân hàng sẽ định giá hàng hóa đó rồi cho vay trên tỷ lệ nhất định tới 70%. Các khoản vay mới cho chủ đầu tư đang có khoản vay ở ngân hàng khác được tính toán cân đối và an toàn trên khoản vay mới và độc lập với khoản vay cũ. Chính vì thế, các ngân hàng liên minh đồng thuận cũng là việc bình thường.

Bất động sản đang hút dòng tiền nhàn rỗi




Tiền đang chảy vào bất động sản
Nhiều dự án bất động sản tại TP. HCM mở bán mới đây có kết quả bán hàng khá tốt

(ĐTCK) Cùng với chứng khoán, một dòng vốn lớn đang chảy mạnh vào thị trường bất động sản. Dòng vốn vào bất động sản không chỉ gián tiếp qua việc gom cổ phiếu bất động sản đang niêm yết, mà trên thị trường thực tế, nhiều khách hàng cũng đã quyết định xuống tiền.
Bất động sản thu hút vốn nhàn rỗi
Ghi nhận của phóng viên Đầu tư Bất động sản từ các doanh nghiệp địa ốc có dự án mở bán từ đầu tháng 3 đến nay cho thấy, hầu hết các dự án đều có kết quả bán hàng khá tốt. 
Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, đơn vị phân phối độc quyền Dự án căn hộ Hưng Ngân Garden tại quận 12, TP. HCM cho biết, chỉ sau gần 2 tuần công bố mở bán, dự án đã thu hút hàng trăm lượt khách hàng tham quan và đến nay, hơn 100 sản phẩm của giai đoạn 1 đã chính thức được khách hàng đăng ký mua.
“Yếu tố để khách hàng quan tâm nhiều đến Dự án Hưng Ngân là Dự án có diện tích căn hộ nhỏ, giá hợp lý. Thêm vào đó, khách hàng mua căn hộ Dự án được hỗ trợ vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng, cùng với chính sách thanh toán linh hoạt, chỉ cần thanh toán 5 triệu đồng/tháng là mua được nhà”, ông Thanh nói và cho biết, qua khảo sát cho thấy, khách hàng mua sản phẩm hiện nay không chỉ có nhu cầu để ở, mà còn để đầu tư, tích lũy tài sản.
Tại Dự án Hoàng Anh Thanh Bình (quận 7, TP. HCM), theo ông Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Bình, chủ đầu tư dự án, sau 3 tuần chính thức mở bán, đến nay đã có 40% trong số 400 căn hộ của block B mở bán được khách hàng mua, trong đó, toàn bộ căn hộ có diện tích từ 80 m2 trở xuống đã được bán hết. 
“Khách hàng vẫn rất thận trọng trong quyết định mua nhà, nhưng thị trường tốt lên thấy rõ. Có một thực tế, nếu như năm ngoái, khách hàng chủ yếu mua nhà để ở, thì hiện tại, nhiều người mua để cho thuê”, ông Hùng lý giải. 
Kế bên, Dự án Him Lam Riverside do Công ty Him Lam làm chủ đầu tư cũng có kết quả bán hàng khá tốt. Theo đại diện của công ty này, khách hàng mua sản phẩm dự án đang nhắm vào mục đích cho thuê lại, bởi đây là dự án đã hoàn thành, có giá cho thuê 24 triệu đồng/tháng, trong khi mua căn hộ, khách hàng chỉ cần thanh toán 16 triệu đồng/tháng.
Tương tự, theo ghi nhận tại nhiều dự án khác được mở bán từ đầu tháng 3 đến nay, như Dự án đất nền Khu biệt thự ven sông Arista Villas, quận Thủ Đức của Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín; Dự án Sunny Plaza, Đại lộ Phạm Văn Đồng, quận Gò Vấp của Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) và CTCP Bất động sản Sài Gòn Đông Dương (CNS Land); Dự án Mega Residences ở quận 9 của Công y Khang Điền; Dự án Lexington Residence tại quận 2 của Công ty Novaland… đều có kết quả bán hàng khá tốt.
Niềm tin đang trở lại
Dù chưa thực sự hoàn toàn khởi sắc, song theo nhận định của hầu hết giới chuyên môn, thị trường bất động sản đang từng bước phục hồi và đi vào chu kỳ phát triển ổn định, bền vững. 
Theo ông Bùi Cao Nhật Quân, Phó chủ tịch Tập đoàn Novaland, nhìn chung, thị trường bất động sản vẫn còn đang trong giai đoạn tiếp tục sàng lọc, song những dự án nào được đầu tư bài bản, có giá trị vẫn luôn thành công, vì nhu cầu nhà ở vẫn rất lớn. Với nhìn nhận này, ngay từ đầu năm nay, Novaland đã mạnh dạn mua lại 3 dự án của các doanh nghiệp khó khăn để đầu tư phát triển.
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, ông Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư An Phú (doanh nghiệp được thành lập để xử lý khối tài sản bất động sản của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai - HAGL) cho rằng, thị trường bất động sản vẫn đang có nhiều cơ hội phát triển. Sau đợt tái cấu trúc của HAGL, có nhiều người nói HAGL tháo chạy khỏi thị trường bất động sản Việt Nam, nhưng điều này không chính xác. Nói đúng ra, HAGL chưa triển khai dự án mới, mà chỉ tập trung hoàn thiện những dự án dở dang. 
“Hiện nay, chúng tôi chỉ tập trung vào những dự án khả thi về đầu ra, vừa làm, vừa thăm dò thị trường và sẵn sàng bơm vốn để phát triển các dự án mới khi thị trường có cơ hội”, ông Hùng nói và cho biết, hiện Công ty An Phú có hơn 10 dự án ở TP. HCM với quỹ đất hàng chục héc-ta, tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Hầu hết những dự án này sẽ từng bước được triển khai trong thời gian tới.
Còn theo ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh, thị trường bất động sản TP. HCM vẫn luôn có nhiều cơ hội. Năm nay có thể thị trường còn khó khăn, nhưng mức độ khó khăn sẽ giảm 60 - 70% so với năm ngoái và sẽ từng bước phục hồi, phát triển những năm kế tiếp. Đất Xanh đang chuẩn bị nguồn vốn lớn để đầu tư vào các dự án bất động sản có quy mô theo mô hình khu đô thị khép kín, có diện tích từ 10 - 20 héc-ta. Cụ thể, trong năm 2014, Đất Xanh sẽ khởi công một dự án theo mô hình này với tên gọi Đất Xanh City.